THỰC HIỆN PHÁP LUẬT, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
Luật Tiếp công dân - Những điểm cần lưu ý
21/05/2021 12:00:00

Luật Tiếp công dân - Những điểm cần lưu ý

Công tác tiếp công dân có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Luật Tiếp công dân 2013 ra đời đã góp phần đảm bảo việc các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được ý kiến của nhân dân liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Dưới đây, xã Ninh Hải đã tổng hợp 08 điểm cần lưu ý của Luật này để nhân dân nắm rõ.

1. Công dân có quyền yêu cầu gặp Đại biểu Quốc hội

Thông thường, việc tiếp công dân của Đại biểu Quốc hội được thực hiện theo sự phân công của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội hoặc khi thấy cần thiết.

Khoản 2 Điều 21 Luật Tiếp công dân 2013 quy định trong trường hợp công dân có yêu cầu gặp Đại biểu Quốc hội để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì Đại biểu Quốc hội phải sắp xếp thời gian tiếp công dân. Nếu chưa thể tiếp công dân được thì Đại biểu Quốc hội phải cử người nhận đơn hoặc hẹn tiếp công dân vào thời gian thích hợp.

Như vậy, công dân có quyền yêu cầu gặp Đại biểu Quốc hội để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình.

2. Người khiếu nại, tố cáo phải mang theo gì?

Theo quy định tại Điều 25 Luật Tiếp công dân 2013, khi công dân đến khiếu nại, phản ánh, tố cáo, kiến nghị người tiếp công dân có trách nhiệm:

- Đón tiếp, yêu cầu công dân nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);

- Tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày nội dung vụ việc;

- Hướng dẫn viết đơn hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản và yêu cầu họ ký xác nhận hoặc điểm chỉ (nếu chưa có đơn);

- Bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có)...

Như vậy, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải mang theo giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu là người được ủy quyền), đơn khiếu nại, tố cáo… và tài liệu, chứng cứ chứng minh (nếu có).

3. Thủ tục tiếp công dân mới nhất

Bước 1: Công dân có nhu cầu khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mang theo các giấy tờ nhân thân và hồ sơ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (nếu có) đến nơi tiếp công dân.

Bước 2: Người tiếp công dân đón tiếp, xác định nhân thân của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; xác định tính hợp pháp của người đại diện, người được ủy quyền theo quy định của pháp luật (Điều 5 - Điều 8, Điều 17, Điều 28 Thông tư 06/2014/TT-TTCP); người tiếp công dân tiếp nhận thông tin, tài liệu do công dân trình bày, cung cấp và phải viết, giao giấy biên nhận các tài liệu đã tiếp nhận cho công dân.

- Khi người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có đơn trình bày nội dung rõ ràng, đầy đủ thì người tiếp công dân cần xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của công dân để xử lý cho phù hợp.

- Nếu nội dung đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không rõ ràng, chưa đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị công dân viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn những nội dung chưa rõ, còn thiếu.

- Trường hợp không có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn theo quy định của pháp luật…

Bước 3: Phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân:

- Người tiếp công dân thực hiện việc phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo; phân loại, chuyển nội dung phản ánh, kiến nghị đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền thụ lý, giải quyết.

Bước 4: Thông báo kết quả xử lý:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một trong các nội dung sau đây:

- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý để giải quyết;

- Từ chối thụ lý đối với khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý;

- Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

4. Khi nào được từ chối tiếp công dân?

Tiếp công dân là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…

Điều 9 Luật Tiếp công dân 2013 quy định các trường hợp được từ chối tiếp công dân, cụ thể:

- Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân;

- Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài…

Mặt khác, theo quy định tại Điều 4 Thông tư 06/2014/TT-TTCP, khi từ chối tiếp công dân, người tiếp công dân phải giải thích cho công dân được biết lý do. Trong trường hợp vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật có thông báo bằng văn bản và được gải thích, hướng dẫn nhưng công dân cố tình khiếu nại tố cáo dài thì người tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân.

5. Chủ tịch UBND xã phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 01 ngày/tuần

Theo khoản 1 Điều 15 Luật Tiếp công dân 2013, việc tiếp công dân của UBND xã được thực hiện tại trụ sở UBND xã.

Theo đó, khoản 2 Điều này nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã gồm:

- Ban hành nội quy tiếp công dân;

- Bố trí địa điểm thuận lợi và các điều kiện cần thiết khác cho việc tiếp công dân tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Phân công người tiếp công dân;

- Trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định;

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân;

- Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND xã phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã ít nhất 01 ngày trong tuần.

6. Lịch tiếp công dân phải được niêm yết công khai

Theo Điều 24 Luật Tiếp công dân 2013, Ban Tiếp công dân ở Trung ương, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm niêm yết công khai tại trụ sở lịch tiếp công dân của lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương hoặc địa phương.

Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm niêm yết công khai lịch tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị, tại địa điểm tiếp công dân và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nếu có).

Thêm vào đó, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị định 64/2014/NĐ-CP nêu rõ, người tiếp công dân có trách nhiệm tiếp công dân theo lịch tiếp công dân đã được công bố. Trường hợp tiếp công dân đột xuất thực hiện theo sự phân công của Trưởng Ban Tiếp công dân hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo cơ quan, tổ chức mình.

7. Cử người đại diện nếu khiếu nại cùng một nội dung

Điều 29 Luật Tiếp công dân 2013 quy định: Trong trường hợp có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì người tiếp công dân yêu cầu cử người đại diện. Việc cử người đại diện được tiến hành bằng văn bản có chữ ký của tất cả mọi người. Có thể cử nhiều người đại diện nếu có nhiều người khiếu nại tố cáo nhưng tối đa không quá 5 người đại diện.

Mặt khác, tại khoản 3 Điều 10 và khoản 3 Điều 19 Thông tư 06/2014/TT-TTCP cũng quy định: Trong trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung, người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo.

8. Phải thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo trong 10 ngày

Điều 28 Luật Tiếp công dân quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo…, người tiếp công dân trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo… về một trong các nội dung:

- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý để giải quyết;

- Việc xem xét khiếu nại, tố cáo để thụ lý cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo;

- Từ chối thụ lý đối với khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý;

- Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo kết quả, cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Tiếp công dân có trách nhiệm thông báo cho người khiếu nại, tố cáo về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong trường hợp người đó đã có yêu cầu trước đó.

Trên đây là những điểm cần lưu ý của Luật Tiếp công dân. Cán bộ và nhân dân xã Ninh Hải có thể tham khảo thêm.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NINH HẢI - HUYỆN NINH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Thị Diên, Bà Lê Thị Linh

Địa chỉ: Ủy ban nhân dân xã Ninh Hải

Điện thoại: 0978376248

Email: 

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0