GIÁO DỤC-Y TẾ
BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG THỜI KÌ MỚI
03/08/2023 12:00:00

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG THỜI KÌ MỚI

Trong những năm gần đây công tác Dân số xã nhà đã đạt được nhiều những kết quả đáng ghi nhận như: các bà mẹ mang thai được cung cấp các kiến thức tốt nhất về mang thai, làm mẹ an toàn, được tiếp cận với những kĩ thuật mới, các trẻ em sinh ra được sàng lọc phát hiện những di tật bẩm sinh được tư vấn đảm bảo những điều kiện tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện. Người cao tuổi trong toàn xã được quan tâm nhiều hơn được hưởng những chế độ kịp thời, các cặp vợ chồng khi kết hôn được tư vấn sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp kiến thức về Kế hoạch hoá gia đình, các biện pháp tránh thai hiện đại.

Hằng năm Ban chỉ đạo công tác Dân số kết hợp với trạm y tế và Trung tâm y tế huyện tổ chức 2 đợt chiến dịch để khám sức khoẻ cho nhân dân trong toàn xã…Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình vẫn còn hạn chế: tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hoá dân số. Với mục tiêu tuyên truyền tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Dân số đến năm 2030: Phấn đấu giảm mức sinh; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác Dân số kế hoạch hoá gia đình năm 2023 yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác truyền thông, vận động về dân số kế hoạch hoá gia đình.

Việc triển khai thực hiện chương trình truyền thông dân số đến năm 2030 theo Quyết định số 537/QĐ-TTg ngày 17/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết TW số 21) và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với quan điểm chỉ đạo “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số - phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững”.

Mục tiêu

(1) Truyền thông nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; bộ, ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương để huy động sự tham gia và cam kết với công tác dân số thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; phân bố dân cư hợp lý; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Hằng năm, 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về chương trình dân số và phát triển.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác truyền thông theo hướng chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Tập trung tuyên truyền, vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt, góp phần thực hiện điều chỉnh mức sinh phù hợp của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng về tầm soát trước sinh và sơ sinh. Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

(2) Đến năm 2030:

- 95% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con; quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; hệ lụy của mức sinh thấp; lợi ích của việc thực hiện các biện pháp tránh thai góp phần thực hiện thành công cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, duy trì vững chắc mức sinh thay thế.

- 95% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ông bà, cha mẹ được cung cấp thông tin về tình hình, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh; 95% vị thành niên, thanh niên, nam, nữ sắp kết hôn được cung cấp đầy đủ kiến thức về các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi; 100% các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương thường xuyên tuyên truyền về giá trị của trẻ em gái, vị thế của phụ nữ và bình đẳng giới.

- 95% nam, nữ thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về lợi ích của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lợi ích của tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh; 95% cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cung cấp các thông tin về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tiến tới đẩy lùi tình trạng này góp phần nâng cao chất lượng dân số.

- 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục thực hiện tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình thông qua việc lồng ghép các nội dung vào các môn học chính khóa và ngoài giờ lên lớp phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo; 90% vị thành niên, thanh niên được cung cấp, cập nhật kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình như các biện pháp tránh thai, tác hại của phá thai, mang thai ngoài ý muốn.

- 85% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi được cung cấp kiến thức về các biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp, biết cách tự xử lý bước đầu một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, kiến thức về chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập phù hợp, lợi ích của việc khám sức khỏe định kỳ góp phần phát huy vai trò của phong trào hỗ trợ, chăm sóc nâng cao sức khỏe người cao tuổi.

Nhiệm vụ và giải pháp

Một là, tăng cường cung cấp thông tin về dân số và phát triển đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp.

Hai là, huy động các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia truyền thông về dân số và phát triển; tiếp tục xây dựng, triển khai các chương trình phối hợp, tập trung xây dựng các mô hình, hoạt động truyền thông toàn diện các nội dung về dân số và phát triển.

Ba là, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về dân số và phát triển; bảo đảm về chất lượng, đổi mới về hình thức, nội dung. Cung cấp trang thiết bị, phương tiện truyền thông phù hợp cho cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác truyền thông về dân số và phát triển, ưu tiên tuyến cơ sở, nhất là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai.

Bốn là, đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi về dân số và phát triển trên các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, phóng sự, tin bài, sách, ảnh, sự kiện truyền thông; lồng ghép nội dung truyền thông dân số và phát triển vào các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung khai thác, phát triển và tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông khác.

Năm là, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp trong hệ thống dân số các cấp; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số, y tế cơ sở nhằm hình thành và duy trì bền vững hành vi tích cực về dân số và phát triển của các tầng lớp nhân dân.

Sáu là, mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ em vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính, bình đẳng giới, không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết thống cho trẻ em vị thành niên, thanh niên.

Bảy là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông; huy động sự tham gia, đóng góp phương tiện, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác truyền thông về dân số và phát triển.

Tám là, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ truyền thông trong hệ thống dân số và cán bộ truyền thông, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên các ngành, các cấp.

Chín là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm triển khai các chương trình truyền thông về dân số và phát triển của các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước.

Mười là, tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật định kỳ và đột xuất; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình./.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NINH HẢI - HUYỆN NINH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Thị Diên, Bà Lê Thị Linh

Địa chỉ: Ủy ban nhân dân xã Ninh Hải

Điện thoại: 0978376248

Email: 

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0