Phần I
BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA BỘ NỘI VỤ
1. Bối cảnh quốc tế
Ngày 01/9/1939, phát xít Đức nổ súng tấn công Ba Lan, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đưa nhân loại vào thảm họa tàn khốc chưa từng có; đồng thời là nhân tố làm thay đổi căn bản diễn trình lịch sử thế giới nói chung và vận mệnh của dân tộc Việt Nam nói riêng.
Ngày 10/6/1940, quân Đức tấn công xâm lược Pháp và nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự của quân đội Pháp. Ngày 22/6/1940, nước Pháp buộc phải ký Hiệp định đình chiến, đầu hàng phát xít Đức. Ở Đông Dương, thực dân Pháp hoang mang cực độ, tìm cách duy trì địa vị thống trị của chúng bằng cách tăng cường khủng bố phong trào yêu nước và cách mạng. Mặt khác, chúng từng bước đầu hàng phát xít Nhật, mở cửa cho quân Nhật vào chiếm đóng Đông Dương. Như vậy, từ tháng 9/1940, nước ta rơi vào cảnh "một cổ hai tròng". Toàn dân tộc bị dồn nén dưới ách thống trị của hai kẻ thù ngoại bang là phát xít Nhật và thực dân Pháp.
Trong khi đó, diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng trở nên bất lợi hơn cho phe Trục phát xít. Trước sức tấn công như vũ bão của Hồng quân Liên Xô và liên quân Đồng minh, phát xít Đức ở châu Âu và phát xít Nhật ở châu Á ngày càng bị đẩy gần tới chỗ diệt vong. Trong thế thua toàn cục đó, tối ngày 09/3/1945, quân Nhật quyết định đảo chính, nhanh chóng lật đổ thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương để rảnh tay đối phó với quân Đồng minh.
2. Bối cảnh trong nước
Trước những biến chuyển mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, từ cuối năm 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh tụ chính trị, Bộ tham mưu chiến đấu của cách mạng Việt Nam đã kịp thời nhận định tình hình và điều chỉnh sự chỉ đạo chiến lược, hướng toàn bộ cuộc vận động cách mạng vào mục tiêu giải phóng dân tộc.
Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về tới Cao Bằng, chọn Pác Bó làm nơi xây dựng căn cứ chỉ huy cách mạng Việt Nam. Tại Pác Bó, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 đã diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng, hoàn thiện chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam cho phù hợp với tình hình và yêu cầu khách quan của lịch sử. Hội nghị Trung ương VIII quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), hình thức mới của Mặt trận dân tộc thống nhất do Đảng lãnh đạo để tập hợp đông đảo nhất, rộng rãi nhất các giai cấp, tầng lớp Nhân dân Việt Nam vì mục đích cứu quốc, giành độc lập dân tộc. Điều đặc biệt quan trọng là tại Hội nghị này, Trung ương Đảng đã tập trung thảo luận về khả năng và phương thức tiến hành một cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị khẳng định: "Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang".
Dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Đảng và Mặt trận Việt Minh, phong trào kháng Nhật, cứu quốc đã dâng lên mạnh mẽ ở cả nông thôn và thành thị, nhất là ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Trong tình hình đó, nhằm thống nhất lực lượng, thống nhất chỉ huy và hành động, đưa cao trào cách mạng phát triển lên một bước cao hơn, ngày 15/4/1945, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Hội nghị đã diễn ra trong 05 ngày tại huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang), do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì. Một trong những vấn đề quan trọng mà Hội nghị đã tập trung thảo luận chính là chỉ đạo việc chuẩn bị giành chính quyền và thành lập chính quyền cách mạng.
Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh đã ra Chỉ thị quan trọng về việc thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng, Uỷ ban nhân dân cách mạng và Uỷ ban khởi nghĩa. Chỉ thị xác định rõ: "Trong tình thế chính quyền đế quốc có chỗ tan rã, có chỗ không được ổn định như ở nước ta ngày nay, Uỷ ban dân tộc giải phóng là hình thức tiền Chính phủ, trong đó Nhân dân học tập để tiến lên giữ chính quyền cách mạng".
3. Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của Bộ Nội vụ
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng và theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về việc triệu tập một cuộc Đại hội đại biểu Quốc dân Việt Nam, ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào, Quốc dân Đại hội đã khai mạc. Hơn 60 đại biểu đại diện cho các giới, các tầng lớp Nhân dân yêu nước từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và kiều bào ở nước ngoài, tượng trưng cho khối đại đoàn kết dân tộc đã về dự Đại hội. Đại hội nhất trí ủng hộ đề nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương về việc phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc và thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Đại hội cũng nhất trí cử ra Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Uỷ ban có nhiệm vụ chỉ huy cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và khi điều kiện cho phép thì chuyển thành Chính phủ lâm thời, "... thay mặt quốc dân mà giao thiệp với các nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước".
Trong giờ phút quyết liệt đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước vùng lên khởi nghĩa, giành lấy chính quyền.
Theo lời hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã nhất tề vùng lên lật đổ chính phủ bù nhìn, tay sai của phát xít Nhật, lập nên chính quyền cách mạng. Ngày 15/8/1945, tại Hà Nội, Uỷ ban quân sự cách mạng đã được thành lập để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, cuộc mít tinh khổng lồ của khoảng 200.000 người đã nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình vũ trang quần chúng giành chính quyền. Ngày 20/8/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ, Uỷ ban nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập và ra mắt Nhân dân. Ngày 23/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa Thừa Thiên tổ chức một cuộc mít tinh khổng lồ với sự tham gia của hàng vạn người, tuyên bố thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên – Huế. Ngày 25/8/1945, Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ cũng đã được thành lập và ra mắt Nhân dân…
Như vậy, chỉ trong khoảng hai tuần lễ, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã giành thắng lợi căn bản trên phạm vi toàn quốc. Tại hầu hết các tỉnh, thành phố, huyện, xã, chính quyền cách mạng đã được thành lập.
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 đã đập tan chính quyền của bọn đế quốc và phong kiến tay sai thống trị gần một trăm năm, xoá bỏ vĩnh viễn chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Thắng lợi này đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Ngày 27/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời ra Tuyên cáo nêu rõ: “Nhiệm vụ của Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được được Mặt trận Dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, Uỷ ban Dân tộc Giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà Quốc dân đã giao phó cho”.
Chính phủ lâm thời có 15 vị Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cơ cấu Chính phủ gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Như vậy, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ và đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Phần II
CHẶNG ĐƯỜNG 77 NĂM XÂY DỰNG - PHÁT TRIỂN CỦA BỘ NỘI VỤ
VÀ NGÀNH TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC
Thời kỳ Chính phủ lâm thời (1945 - 1946): Đây là một thời kỳ lịch sử, tuy rất ngắn nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ghi nhận thắng lợi vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân tộc trong cuộc vùng lên oanh liệt, quật cường, đánh dấu buổi sinh thành của một chế độ mới, của chính quyền dân chủ nhân dân và của ngành công tác xây dựng, tổ chức, điều hành chính quyền - nhà nước kiểu mới mà cơ quan phụ trách chính là Bộ Nội vụ.
Thời kỳ này, Bộ Nội vụ đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác nội trị, tổ chức xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân non trẻ, điển hình là đã khẩn trương xây dựng, củng cố, bảo vệ thành công và phát huy tối đa công năng của hệ thống chính quyền cách mạng, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, chống lại các thế lực thù trong, giặc ngoài. Thắng lợi to lớn này đã góp phần tạo nên cơ sở vững chắc cho sự phát triển của chính quyền dân chủ nhân dân trong các giai đoạn sau này.
Thời kỳ kháng chiến và kiến quốc (1946-1954): Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc, chúng ta vừa chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, vừa tăng gia sản xuất, xây dựng đất nước. Thành tích to lớn, quan trọng của Bộ Nội vụ thời kỳ này chính là tổ chức thành công cuộc tản cư, di chuyển chiến lược, đảm bảo giữ gìn và duy trì tốt cơ sở vật chất tối quan trọng cho toàn bộ cuộc kháng chiến. Trong đó, việc Bộ phối hợp tổ chức, bảo vệ thành công việc sơ tán toàn bộ cơ quan lãnh đạo Trung ương lên Việt Bắc thực sự là một kỳ tích.
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đã có đóng góp to lớn trong việc tiếp tục củng cố, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân các cấp, biến chính quyền thành công cụ hữu hiệu chỉ huy và tổ chức cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đây là kết quả của một loạt các cải cách về cơ chế tổ chức của chính quyền do Bộ Nội vụ nghiên cứu và đề xuất, nhằm làm cho chính quyền nhà nước Việt Nam phù hợp nhất với điều kiện chiến tranh ở từng vùng; đồng thời, phát huy được cao nhất công năng và tính ưu việt của chính quyền cách mạng. Việc kiện toàn bộ máy chính quyền theo hướng vừa gọn, nhẹ, vừa chuyên nghiệp, chính quy đã làm cho các hoạt động của Bộ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.
Thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975): Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, nhiều vấn đề mới trong công tác tổ chức bộ máy nhà nước, công chức, công vụ và các vấn đề xã hội khác được đặt ra. Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã đảm đương, hoàn thành nhiều nhiệm vụ to lớn, nổi bật là: kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện cải tiến tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải tiến lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác cán bộ phục vụ kế hoạch 05 năm lần thứ nhất; chỉ đạo công tác bầu cử, xây dựng, củng cố chính quyền địa phương; xây dựng chế độ quản lý và chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu biên chế, tiền lương, chế độ chính sách và bảo hiểm xã hội; điều chỉnh địa giới hành chính và phê chuẩn phân vạch địa giới hành chính; công tác hộ tịch, quản lý hàng binh, Việt kiều; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, quân nhân và gia đình quân nhân; đẩy mạnh công tác quản lý nhà đất, công tác phòng cháy và chữa cháy...
Thời kỳ thống nhất, xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước và thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1975 đến nay: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thể hiện nổi bật trên các lĩnh vực: tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương; công vụ, công chức và cải cách tiền lương; cải cách hành chính nhà nước; quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ và công tác thanh niên; quản lý nhà nước về Tôn giáo; quản lý nhà nước về Thi đua, Khen thưởng; quản lý nhà nước về Văn thư, Lưu trữ; công tác thanh tra, kiểm tra, công tác pháp chế; công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin và thông tin, truyền thông…
Qua 77 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước với các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và nhiều thách thức nhưng với truyền thống vẻ vang của ngành, lớp lớp thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của ngành luôn trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Với những thành tích ấy, Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2018, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2015... Đặc biệt, ngày 30/5/2005, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 535/2005/QĐ/CTN về việc tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho Bộ Nội vụ để ghi nhận những công lao to lớn, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ, Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2022) là niềm tự hào và nguồn động viên to lớn để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ, của ngành nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng./.
Sưu tầm - Ngô Văn Chính