BÀI TUYÊN TRUYỀN
LỢI ÍCH CỦA KHÁM SÀNG LỌC MỘT SỐ BỆNH Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Theo năm tháng, tuổi già đến dần nhưng làm sao để nó trôi đi một cách bình thường, dồi dào sinh lực, minh mẫn và kéo dài tuổi thọ thì mới là điều đáng quan tâm.
Ở người già bệnh phát triển chậm, âm thầm khó phát hiện và khi mắc bệnh thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, gây suy sụp sức khỏe nhanh. Nghiên cứu y tế chuyên về Lão khoa nhận định, trong số những người trên 65 tuổi, thì có gần 33% bị suy giảm chức năng, mất khả năng lao động và ở độ tuổi 80 trở lên thì tỷ lệ này là 64%. Tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi và trong độ tuổi 60 trở lên thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 1,7 - 2 lần so với độ tuổi dưới 40.
Ngoài ra, nhiều người cao tuổi thoạt nhìn rất khỏe mạnh và họ cũng tin như thế nhưng sau khi kiểm tra mới thấy họ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
Chính vì vậy người cao tuổi cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe để tầm soát các bệnh sau để có những năm tháng tuổi già thực sự trọn vẹn vui vầy bên con cháu
I. MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI CAO TUỔI
1. Bệnh tim mạch
Người cao tuổi nếu có bệnh tăng huyết áp mà bị lạnh đột ngột (tắm nước lạnh, trong điều hòa có nhiệt độ thấp quá) rất có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm, nếu nhẹ huyết áp tăng gây hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhức đầu, loạn nhịp tim; nặng có thể xuất huyết não, đột quỵ.
Người cao tuổi cần thiết phải uống nhiều nước, ăn nhiều rau và canh để cơ thể luôn có đủ nước và các chất điện giải; tránh lạnh đột ngột.
2. Bệnh xương khớp
Đau nhức xương khớp là bệnh người cao tuổi thường gặp. Người cao tuổi cần phải giữ giấc ngủ được ngon giấc, hàng ngày nên xoa bóp nhẹ các bắp cơ, vùng xương khớp, nên tập luyện thể dục dưỡng sinh hoặc các môn thể thao nhẹ nhàng cho người cao tuổi.
3. Bệnh đường hô hấp
Đối với người cao tuổi bị bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng.
Khi đi ngoài nắng nóng về để thân nhiệt giảm dần, nghỉ ngơi từ 15 - 30 phút mới tắm hoặc vào phòng điều hòa.
4. Rối loạn tiêu hóa
Người cao tuổi cũng rất dễ bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh (ăn rau sống, uống nước đá nhiễm khuẩn, ăn tiết canh hoặc thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất) dẫn đến ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy gây mất nước và chất điện giải. Chính vì thế, người cao tuổi nên sử dụng những thực phẩm tươi sống, ăn chín uống sôi và chế độ ăn uống lành mạnh khoa học để ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa.
5. Đột quỵ
Thống kê cho thấy, tỷ lệ đột quỵ ở người cao tuổi thường xảy ra vào chiều tối hoặc nửa đêm về sáng lúc mà thân nhiệt có nhiều thay đổi. Nhiệt độ càng cao thì mức độ đột quỵ càng nặng.
6. Bệnh cao huyết áp
Cao huyết áp là căn bệnh tiến triển tỷ lệ thuận với độ tuổi, tuổi càng cao thì rủi ro lâm bệnh càng lớn, thủ phạm làm gia tăng bệnh tim mạch và các loại bệnh nan y khác. Nếu số đo huyết áp nhỏ hơn 120/80mmHg thì 2 năm nên đi khám một lần. Nếu chỉ số từ 120 - 139mmHg đầu (tâm thu) và từ 80 – 89mmHg (tâm trương), mỗi năm khám một lần. Trên 140/90mmHg, nên đi khám thường xuyên hơn hoặc theo khuyến cáo cụ thể của bác sĩ.
7. Mỡ máu
Đối với nhóm người trên 60 tuổi, ít nhất 2 năm nên đi kiểm tra lipid máu một lần. Xét nghiệm lipid máu nhằm biết các chỉ số: mỡ máu toàn phần, mỡ máu tỷ trọng thấp, mỡ máu tỷ trọng cao, và mỡ máu xấu có trong máu. Nếu vượt ngưỡng cho phép có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Đây là bệnh “giết người thầm lặng” bởi không có dấu hiệu nhận biết bên ngoài. Những người có tiền sử bệnh tim mạch và có các kết quả xét nghiệm mỡ máu trước đó không tốt nên đi khám thường xuyên hơn.
8. Bệnh đái tháo đường
Song song với việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, người cao tuổi nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đủ các chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng để dự phòng bệnh. Vì khi bước vào độ tuổi trên cơ chế hấp thụ chất dinh dưỡng của người cao tuổi đã giảm đi, dễ gặp phải bệnh tật vào các thời điểm giao mùa của bệnh để lâu có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng vì sức đề kháng không còn như thời trẻ. Nếu có điểu kiện người cao tuổi nên bổ sung thêm các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt, giàu các yếu tố vi lượng, các axit amin thiết yếu cơ thể không tự tổng hợp được giúp tăng cường sức đề kháng, phục hồi sức khỏe phòng chống lại bệnh.
II. SỨC KHOẺ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI - PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH.
Vẫn biết "phòng bệnh hơn chữa bệnh" nhưng nhiều người vẫn để mình rơi vào tình trạng có bệnh mới tìm đến bác sĩ, khi đó việc chữa trị trở nên phức tạp, sức khỏe khó phục hồi hơn.
Cách "phòng bệnh" cho người cao tuổi cũng không quá khó, chế độ dinh dưỡng cần đa dạng, cân đối, đủ năng lượng, giàu vi chất và các chất chống oxy hóa. Mỗi ngày, người già nên uống khoảng một đến 2 ly sữa để giúp việc hấp thu dễ dàng hơn, bổ sung thêm cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng quan trọng.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi cũng nên chú trọng đến việc vận động sao cho hợp lý và đi khám sức khỏe định kỳ. Theo dõi tình hình sức khỏe hiện tại và sớm phát hiện bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời vừa giúp người bệnh tiết kiệm chi phí, vừa phòng chống bệnh tốt hơn.
Thực hiện Kế hoạch số 99/KH-TTYT ngày 15/9/2023 của Trung tâm y tế huyện Ninh Giang về việc khám sức khoẻ người cao tuổi trên địa bàn xã Ninh Hải.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Ninh Hải .Trạm y tế phối hợp với Hội người cao tuổi xã tổ chức khám sức khoẻ cho người cao tuổi năm 2023.
1. Đối tượng khám:
- Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên là người có hộ khẩu thường trú tại xã Ninh Hải
2.Thời gian khám: Từ 7h30 đến 16h30 ngày 04 /10/2023
- Buổi sáng: Từ 7h30 đến 11h khám cho các cụ thôn Bồng Lai
- Buổi chiều từ 13h30 đến 16h30 khám cho các cụ thôn Nhân Lý và Thôn Đồng Bình
3. Nội dung khám:
- Khám lâm sàng: Khám nội, ngoại tổng quát, da liễu, đo mạch, nhiệt độ, huyết áp, cân nặng, chiều cao, mắt, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng;
- Khám cận lâm sàng: Điện tâm đồ, xét nghiệm đường huyết mao mạch, siêu âm
4. Cán bộ thực hiện: Các bác sỹ chuyên khoa, khoa lâm sàng bệnh viện Đa khoa Ninh Giang, viên chức Trạm y tế xã.
Các cụ trong diện được khám đợt này sẽ sắp sếp đi khám nhằm phát hiện sớm bệnh tiềm ẩn để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm hơn với Người cao tuổi giúp đỡ và tạo điều kiện cho người cao tuổi được hưởng những chính sách của Nhà nước và sống vui, sống khỏe, sống có ích./.