Ngày 08/6/2022, UBND xã Ninh Hải ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về triển khai kế hoạch tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật trẻ em; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Tạo sự chuyển biến đồng bộ về nhận thức, hành động, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, gia đình và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó chú trọng công tác bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh.
- Đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; huy động các nguồn lực xã hội, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ, chung tay giúp đỡ về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện và cơ hội để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em nhằm đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện cho trẻ em.
2. Yêu cầu
Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 đảm bảo thống nhất về nội dung, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
II. CHỦ ĐỀ THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM
Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 được thực hiện vào tháng 6/2022 (từ ngày 01/6/2022 đến hết ngày 30/6/2022).
Chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.
III. THÔNG ĐIỆP VÀ KHẨU HIỆU TRUYỀN THÔNG
- Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình.
- Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.
- Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.
- Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình.
- Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.
- Gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.
- Số 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi.
IV. CÁC NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022
- Phối hợp Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 và lồng ghép các nội dung, hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống lao động trẻ em với chủ đề “Lao động trẻ em và an sinh xã hội”.
- Thời gian phát động từ ngày 25/5/2022 đến ngày 01/6/2022.
2. Hoạt động tuyên truyền
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Chính phủ về tăng cường các biện pháp về bảo vệ và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; pháp luật về thực hiện các quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, các chính sách, chương trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
- Tập trung tuyên truyền về chủ đề và các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” và lồng ghép các nội dung, hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống lao động trẻ em với chủ đề “Lao động trẻ em và an sinh xã hội”; Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 28/01/2021 của UBND huyện Ninh Giang về thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội Khóa XIV về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 23/3/2020 của UBND huyện Ninh Giang về thực hiện Chương trình hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Ninh Giang giai đoạn 2020-2025; các hoạt động, sáng kiến, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm 2022; tăng cường truyền thông, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đến từng gia đình, cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em trong gia đình.
- Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương. Sử dụng các sản phẩm, tài liệu truyền thông mẫu được đăng tải trên website của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (http://tongdai111.vn) và fanpage Truyền hình Vì Trẻ em VTV1.
- Tuyên truyền, vận động các đơn vị, các tổ chức và cá nhân ủng hộ giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
3. Hoạt động ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em
- Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, UBND xã, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cá nhân có hình thức động viên, tổ chức thăm, tặng quà cho trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiêu biểu tại địa phương từ nguồn kinh phí được ngân sách bố trí, nguồn vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ và các nguồn hợp pháp khác.
- Phối hợp tổ chức Diễn đàn trẻ em để trẻ em thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid-19.
- Tổ chức các hình thức thúc đẩy sự tham gia của trẻ em với các mô hình, hoạt động phù hợp để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng; lấy ý kiến tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản liên quan đến trẻ em, phát huy quyền tham gia và giúp trẻ em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình.
- Hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại; phòng, chống tai nạn, thương tích; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em.
4. Hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em
- Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và xã hội cùng Nhà nước hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn xã, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị bạo lực, xâm hại…; thăm, tặng quà, học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em.
- Phối hợp thực hiện tốt công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bỏ rơi... theo qui định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
5. Công tác kiểm tra, giám sát
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em, đặc biệt việc triển khai các Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và Chỉ thị số 23/CT- TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, chủ động nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em và có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn; chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em.
- Kiểm tra, rà soát những nơi không an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích, đuối nước, tai nạn giao thông cho trẻ em, phát hiện việc sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật; có biện pháp xử lý, khắc phục, loại bỏ kịp thời các yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn, tổn hại cho trẻ em, đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
6. Phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, nhà trường và các địa phương, cơ sở trong thực hiện bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em khi kết thúc năm học 2021-2022 về sinh hoạt hè tại các thôn.
Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao, tham quan, giao lưu với nội dung bổ ích, hình thức phù hợp, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc … để trẻ em có thời gian nghỉ hè an toàn, phòng tránh tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai...