THỰC HIỆN PHÁP LUẬT, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
Luật khiếu nại, tố cáo là gì ? Tìm hiểu về luật khiếu nại tố cáo
08/11/2022 12:00:00

Luật khiếu nại, tố cáo là gì ?

                 Tìm hiểu về luật khiếu nại tố cáo
 

Luật khiếu nại, tố cáo là văn bản pháp luật chứa đựng có hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tìm hiểu về khiếu nại, tố cáo sẽ giúp người dân thực hiện tốt quyền của mình.

Mục lục bài viết

1. Khái niệm khiếu nại, tố cáo.

2. Đặc điểm của Khiếu nại và tố cáo

3. Luật Khiếu nại, tố cáo là gì?

4. Đối tượng điều chỉnh của Luật khiếu nại, tố cáo

5. Cơ cấu và nội dung

1. Khái niệm khiếu nại, tố cáo.

Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại quy đinh: “việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình“.

Cùng với khiếu nại, quyền tố cáo của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật tố cáo và nhiều văn bản pháp luật khác. Khái niệm tố cáo có thể được hiểu dưới nhiều giác độ khác nhau, dưới góc độ pháp lý, theo Điều 2 của Luật Tố cáo thì tố cáo được quy định: “là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức“.

Theo đó, tố cáo được chia làm 02 loại:

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là việc công dân báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đối với việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

2. Đặc điểm của Khiếu nại và tố cáo

Thứ nhất, mục đích của khiếu nại là bảo vệ và khôi phục lại quyền và lợi ích của người bị khiếu nại đã bị quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước xâm hại.

Thứ hai, về chủ thể khiếu nại, Khoản 1 Điều 1 và Điều 101 Luật khiếu nại thì chủ thể có quyền khiếu nại bao gồm: công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức; cá nhân, tổ chức nước ngoài có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.

Thứ ba, đối tượng của khiếu nại hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước.

Thứ tư, khiếu nại được thực hiện theo thủ tục hành chính được quy định trong Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Luật Khiếu nại, tố cáo là gì?

Luật khiếu nại, tố cáo là văn bản pháp luật chứa đựng có hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Luật khiếu nại, tố cáo được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá X, kì họp thứ 4 thông qua ngày 02/12/1998 và được Chủ tịch nước kí lệnh công bố ngày 11/12/1998.

4. Đối tượng điều chỉnh của Luật khiếu nại, tố cáo

Đối tượng điều chỉnh của Luật khiếu nại, tố cáo là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, gồm những quan hệ xã hội phát sinh do việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại: quan hệ giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại; quan hệ giữa người khiếu nại và người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại; quan hệ giữa người giải quyết khiếu nại với người bị khiếu nại. Những quan hệ xã hội phát sinh do tố cáo và hoạt động giải quyết tố cáo, bao gồm: quan hệ giữa người tố cáo và người bị tố cáo; quan hệ giữ người tố cáo và người giải quyết tố cáo, quan hệ giữa người giải quyết tố cáo với người bị tố cáo. Về phạm vi điều chỉnh, xuất phát từ thực tế hiện tượng khiếu nại, tố cáo xảy ra thường xuyên ở tất cả các địa phương và trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng khiếu nại, tố cáo là những hiện tượng khác nhau, nên có thể phân biệt giữa phạm vi khiếu nại và phạm vi tố cáo, cụ thể, về phạm vi khiếu nại là: quyết định hành chính; hành vi hành chính, quyết định kỉ luật cán bộ, công chức; về phạm vi tố cáo là những hành vi vi phạm pháp luật của bất kì cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo không bị giới hạn bởi thời hiệu, cũng không bị giới hạn là vi phạm quy phạm pháp luật của ngành luật nào trong hệ thống pháp luật nước ta cũng như bất kì chủ thể nào. Vấn đề khiếu nại, tố cáo lần đầu tiên được quy định tại Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991, đã tạo ra cơ sở pháp lí cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đã được Hiến pháp quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Việc ban hành Hiến pháp năm 1992 và cùng với Hiến pháp là nhiều luật chuyên ngành đều có quy định về thẩm quyền, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo theo từng ngành, càng làm cho quy định của pháp luật không còn phù hợp. Do đó, Luật khiếu nại, tố cáo mới (1998) đã được Quốc hội ban hành trên cơ sở kế thừa các quy định của pháp luật và nhiều quy định về khiếu nại, tố cáo của các luật chuyên ngành, khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991, tạo ra sự thống nhất trong các quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của tình hình mới về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh.

5. Cơ cấu và nội dung

Về cơ cấu và nội dung cơ bản, Luật có 9 chương với 103 điều. Mỗi chương, mục của Luật khiếu nại, tố cáo có tên gọi phản ánh nội dung chính của chương, mục đó.

Chương Ì - Những quy định chung, quy định chủ thể có quyền khiếu nại, tố cáo; nêu khái niêm về khiếu nại, tố cáo; quy định trách nhiệm của ga cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chương II - Khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính được chia thành 3 mục. Quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của người khiếu nại và người giải quyết khiếu nại quyết định hành chính và hành vị hành chính; thẩm quyền giải quyết khiếu nại; khiếu nại, tố cáo và thủ tục giải quyết khiếu nại.

Chương III - Khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỉ luật cán bộ, công chức, quy định thời hiệu khiếu nại; trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại.

Chương IV - Tố cáo, giải quyết tố cáo, có 3 mục, quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; trách nhiệm giải quyết các loại vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và thủ tục giải quyết tố cáo.

Chương V - Việc tổ chức tiếp công dân, quy định trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thanh tra nhà nước các cấp, người trực tiếp tiếp công dân khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, đưa đơn khiếu nại, tố cáo.

Chương VI - Quản lí công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, quy định nội dung quản lí công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp, Toà án nhân dân các cấp và Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong việc quản lí công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Chương VII - Giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, gồm 2 mục, quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trong việc thông báo đến Uỷ ban mặt trận tổ quốc cùng cấp về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết của mình.

Chương VIII - Khen thưởng và xử lí vi phạm, quy định những trường hợp được khen thưởng và những trường hợp vi phạm bị xử lí theo quy định của pháp luật.

Chương IX - Điều khoản thi hành.

Sau 6 năm thực hiện, Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điểu tại kì họp thứ 5 Quốc hội Khoá XI, ngày 15.6.2004, những điều khoản được sửa đổi, bổ sung là những quy định có liên quan đến thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, của Tổng thanh tra; bãi bỏ Điều 12 quy định về quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thay cụm từ “Tổng thanh tra nhà nước" tại Điều 81 Luật khiếu nại, tố cáo bằng cụm từ "Thanh tra Chính phủ".

Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011.

Luật này vẫn chỉ quy định 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, không mở rộng hình thức tố cáo bằng fax hay email như đề xuất trước đó.

Cũng theo Luật này, nếu nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra không xác định người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng tên người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo 01 trong 02 hình thức nêu trên, thì không xử lý.

Tuy nhiên, nếu nội dung tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Luật cũng bổ sung quy định về rút tố cáo. Theo đó, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NINH HẢI - HUYỆN NINH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Thị Diên, Bà Lê Thị Linh

Địa chỉ: Ủy ban nhân dân xã Ninh Hải

Điện thoại: 0978376248

Email: 

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0